HINH ẢNH

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Cách xử lý thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh


Cách xử lý thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
Trần Quốc Hội
Thời gian nghệ thuật là một trong những vấn đề cơ bản của thi pháp học, Trần Đình Sử từng nhận định: “Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học, bởi văn học là nghệ thuật thời gian”. Sau này Lê Thi Tuyết Hạnh cũng cho rằng: “Thời gian là một vấn đề được lưu ý đặc biệt trong nghệ thuật kể chuyện, bởi lẽ khi tìm một định nghĩa đơn giản nhất về kể chuyện, người ta cho rằng đó chính là nghệ thuật xếp đặt những chuỗi tình tiết hoặc nghệ thuật trình bày các sự biến trong mối liên hệ với thời gian”. Vai trò của thời gian trong truyện từ lâu đã được khẳng định. Trong tác phẩm, các mốc ngày tháng, sáng tối, quá khứ hiện tại … tự nó chưa tạo nên tính nghệ thuật mà chính cách xử lý chúng của tác giả mới tạo nên thời gian nghệ thuật cho tác phẩm. Điều này đã được Trần Đình Sử khẳng định: “Sự sắp xếp phối trí của thời gian được trần thuật vào thời gian trần thuật mới tạo ra được thời gian nghệ thuật thực sự”. Vì vây, “Nhà tiểu thuyết với ngòi bút của ông ta, lại có thể đạt đến mượn các thứ kỹ xảo nghệ thuật khiến thời gian khó mà “siêu việt” có được sự “siêu việt”, thời gian khiến ta cảm thấy “không tự do” dường như cũng có thể đạt đến trong miêu tả của tiểu thuyết” .
Nỗi buồn chiến tranh từ lâu được xem là tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng đọc giả, tác phẩm đánh dấu sự tiến bộ và phát triển của văn học đương đại. Một trong những vấn đề góp phần cho sự thành công đó không gì khác chính là cách xử lý thời gian.
1. Lần theo dòng thời gian hoài niệm của Kiên người đọc thấy la liệt những trận chiến đầy chết chóc. Nỗi đau sống sót luôn ám ảnh Kiên dẫn anh về với quá khứ và lạc vào mê cung của dòng hoài niệm. Trở về với quá khứ, hoài niện về ngày tháng đã qua, hiện thực được nhìn nhận một cách toàn diện, nghiệt ngã từ chiều sâu tâm hồn, từ giá trị nhân bản mang tính nhân loại. Nói như nhà văn Lê Minh Khuê văn chương không làm người chết sống lại, không thể thay đổi bất cứ quan niệm, tư duy nào…. Nhưng ít ra nhà văn cũng đánh thức được trong lòng người đọc nỗi đau xót xa trước những mất mát của đồng loại. Bảo Ninh đã làm tốt điều đó!
Song song và bện chặt vào dòng thời gian hoài niệm về chiến tranh là dòng thời gian hoài niệm về tình yêu. Tình yêu là ngọn nguồn sáng tạo của Kiên, tình yêu ấy đi từ cái thơ mộng, cái ngây ngất, nồng nàn của tuổi trẻ đến sự sụp đổ đau thương, vừa trọn vẹn tuyệt vời vừa đắng cay đổ nát. Ở bất cứ hoàn cảnh nào khi yêu thì cuộc đời cũng đẹp, cuộc sống thật ý nghĩa và cũng vì thế khi tình yêu sụp đổ thì đau thương, nỗi buồn cũng đi vào tim, vò xé tâm hồn con người. Tình yêu Kiên và Phương đã đổ vỡ. Nếu sự đổ vỡ tình yêu của Hùng và Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai vừa nói lên sự thay đổi của con người, sự ngang trái của cuộc đời thì sự đổ vỡ tình yêu của Phương và Kiên do mặc cảm quá khứ. Nhưng tựu trung lại một nguyên nhân bao trùm của mọi nguyên nhân là chiến tranh. Chiến tranh đã chia cắt tình yêu, làm cho con người sống trong cô đơn dằn vặt, trong nỗi đau suốt một đời không dứt, chiến tranh làm cho những con tim đến suốt đời vẫn đập nhịp yêu thương nhưng mãi mãi không bao giờ đến được với nhau. Bi kịch cuộc đời, bi kịch tình yêu của các nhân vật như một sự lên án gay gắt đối với chiến tranh, đối với sự huỷ diệt…
2. Nếu thời gian hoài niệm là dòng trôi miên man về quá khứ của nhân vật thì thời gian hiện tại sẽ như thế nào? Kiên là người lính thắng trận trở về, những ngày tháng gian nan, những hi sinh chỉ có hai từ “hoà bình” với ý nghĩa đích thực của nó mới bù đắp được phần nào nỗi mất mát đó. Lẽ ra Kiên đang sống trong hào quang, trong niềm hạnh phúc mà hơn ai hết những người như anh là người xứng đáng được hưởng. Nhưng Kiên vẫn sống trong “Nỗi buồn chiến tranh” và đang phải chiến đấu lại cuộc “chiến đấu”.
Vậy là bước ra khỏi máu lửa của cuộc chiến, người chiến thắng trĩu nặng những u sầu chứ không phải là một sự hớn hở hồn nhiên: “Chiến tranh đã để lại những dư chấn nặng nề khiến Kiên khó lòng hoà nhập với đời sống thời hậu chiến”. Chính nỗi trăn trở, đau xót này càng làm tăng thêm chiều sâu nhân bản hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Hiện tại của Kiên tù túng, bức bối và ngột ngạt. Sống trong hiện tại Kiên như nghẹt thở “trong mùi rượu, mùi khói thuốc, muội đèn” nên “Kiên vẫn hằng đêm hóa thân thành ngọn nến leo lét cháy trong bầu không khí tù động, trong cảm giác ngột ngạt và trong nỗi buồn say khướt”. Vì nghẹn ứ bế tắc, ngột ngạt anh đã tìm về quá khứ rộng rãi rợn ngợp, và anh đã bơi về đó một cách tuyệt vọng.
3. Hai dòng thời gian chính này được xử lý như thế nào để tạo ra những giá trị cho tác phẩm? Để tạo nên dáng vẻ gọn nhẹ tác phẩm đã được xử lý theo kết cấu lắp ghép, thời gian trần thuật và thời gian cốt chuyện không trùng nhau mà có độ lệch rất lớn, thời gian trần thuật của tác phẩm ngắn hơn thời gian cốt truyện. Nhà văn không theo suốt nhân vật từ quá khứ đến hiện tại mà mà bắt đầu từ hiện tại. Quá khứ nhân vật chỉ hiện lên qua hồi tưởng hoặc qua lời kể. Thời gian trần thuật mở đầu và kết thúc ngắn trong hiện tại, nhưng lại làm hiện lên được cả một khoảng thời gian dài qua hồi tưởng, kí ức, giấc mơ…
Với kết cấu “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” Nỗi buồn chiến tranh giống trường hợp “Bọn làm bạc giả” của André Gide. Ngươì kể chuyện ngôi thứ ba trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là người kể lại “người kể chuyện” xưng “tôi” của nhà văn Kiên.. Chuyển dịch xen kẽ các diểm nhìn từ người kể chuyện này sang người kể chuyện khác trong cùng một tác phẩm khiến cho sự kiện được kể từ nhiều gốc độ, nhiều bình diện khác nhau. Người kể chuyện là “chủ thể kép” vì thế các câu chuyện kết cấu đa điểm nhìn, điểm nhìn di chuyển đi về giữa quá khứ và hiên tại tạo nên tính đối lập giữa hai giai đoạn hai thời kỳ, đồng thời tính cách và số phận nhân vật được biểu hiện đầy hiệu quả.
Từ cách bẻ gãy trục thời gian, cách kể xen kẽ, và xáo trộn theo kiểu gián ghép đã tạo cho tiểu thuyết tính đồng hiện. Bên cạnh đó việc đẩy nhanh hay giảm tốc độ kể đã tạo cho câu chuyện vừa mang tính vận động trong hiện tại vừa mang tính chất hồi cố, hoài nhớ. Sự phối cảnh, lựa chọn các gam màu chủ đạo, tổ chức linh hoạt ngôi kể, điểm nhìn…làm cho hiện tại và quá khứ cứ lồng vào nhau, phá vở cấu trúc truyện truyền thống.
Đồng hiện trong Nỗi buồn chiến tranh đã đưa quá khứ hiện hữu đồng thời với hiện tại làm cho tiểu thuyết mang tính điện ảnh. Các nhà lý luận cho rằng: “chính điện ảnh đã dạy các nhà tiểu thuyết tháo dỡ câu chuyện”. Ưu thế của điện ảnh, do đó là sự tự do trong việc sử dụng yếu tố thời gian: “Điện ảnh bẻ gãy tính liên tục về thời gian. Những sự quay lui ra phía sau, nhảy vọt trong thời gian, ở điện ảnh trở thành quy luật” .
Bằng thủ pháp này Bảo Ninh đã xây dựng một nhân vật “mộng du” một ca “hội chứng chiến tranh”. Người lính chiến trận sau hoà bình thoát ra khỏi chiến tranh – lý do mà anh ta cầm súng để chiến đấu. Vậy mà thoát khỏi chiến tranh nhưng anh không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của nó. Nên hình ảnh bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là hình người lính “mộng du”, cuộc đời “đẩy lùi về quá khứ xa xăm”. Cuộc sống hiện tại của anh dường như là vô nghĩa, ngay cả ban ngày anh cũng bị ảo mộng: tiếng quạt trần cũng gợi lại những trận B52, đường phố bẩn thỉu cũng gợi lại âm khí của đồi Xáo Thịt… Hình ảnh ấy gợi ta nhớ nhân vật Charles Boatman - cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam trong tác phẩm “Ở lưng chừng thời gian” của nhà văn David Bergen. Không khi nào ông nguôi nỗi kinh hoàng vì vậy ông đã tự sát. Chiến tranh thật kinh khủng, nó đã lắng tiếng súng trận địa nhưng lòng người thì không nguôi bị ám ảnh đến điên loạn, nói như nhân vật Thanh: “Sống còn qua chiến tranh là một chuyện, nhưng để tồn tại sau khi cuộc chiến kết thúc lại là một chuyện khác”. Kiên chiến đấu là để bảo vệ, nhân danh chính nghĩa. Nhưng không phải cứ ra khỏi chiến trận là gạt hết tất cả được, mà anh cũng bị chấn thương, cũng bị ám ảnh dày vò. Phản ánh sự thật này càng nói lên vấn đề chung đó là nhân tính mang tính nhân loại.
Xây dựng kiểu nhân vật đó tác giả có điều kịên tốt để vận dụng thủ pháp điện ảnh. Nhân vật dễ dàng đi về trong quá khứ, hiện tại. Nhân vật có thể đang nghĩ, nói vấn đề này nhưng lại bỏ để nói vấn đề khác…Vì vậy mà tác giả cũng dễ dàng thực hiện phối cảnh – cách thức không thể thiếu được trong điện ảnh.
Hiện tại- quá khứ - hiện tại, tất cả cứ lồng vào nhau không dứt, những hoài niệm, những ký ức ngày xưa cứ trôi vào ngày tháng hiện tại làm cho hiện tại càng thêm phần xót xa. Với cách xử lý thời gian trong tiểu thuyết, quá khứ, hiện tại, tương lai luôn đồng hiện. Đưa mọi sự lên mặt bằng ngày hôm nay, đứng ở hiện tại để thấy có những vấn đề cần phán xét, nhìn nhận, đánh giá lại. Từ chối cấu trúc truyền thống, Nỗi buồn chiến tranh đạt được hiệu quả cao về nỗi dung lẫn hình thức, bắt nhịp cùng văn học hiện đại thế giới.
T.Q.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét