HINH ẢNH

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

KHÁT VỌNG HỒI SINH TRONG THƠ XUÂN QUỲNH

 
1. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là tác giả của những bài thơ tình nổi tiếng. Người ta cũng biết tới chị với những bài thơ về chồng, về con. Đúng là chị rất xứng đáng với những danh hiệu: “Tâm hồn một người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm và giàu đức hi sinh”(Lưu Khánh Thơ). Những vấn đề nổi bật trên được bạn đọc đề cập rất nhiều. Bên cạnh đó thơ chị còn có nhiều điều thú vị thể hiện tâm hồn rộng mở, khát khao cháy bỏng vượt lên những cái đời thường và chuyện tình yêu đôi lứa. Một trong những điều đó là khát vọng hồi sinh trong thơ chị.
Saint-Exupery từng viết: “Những cơn đói khát ánh sáng dữ dội đã xui chàng bay lên”(Chuyến bay đêm). Còn gì khiếp đảm và ghê tởm hơn bóng tối nữa! Bóng tối là biểu tượng của sự xấu xa, độc ác. Kẻ thù đặt ách đô hộ và xâm lược là đã phủ một màn đêm tối tăm lên quê hương đất nước. Sống trong cảnh ngộ đó con người thường ao ước, khát khao một cuộc sống tự do, hòa bình.
Dù sáng tác về đề tài nào thì thơ chị cũng luôn hiện lên những khát vọng đẹp đẽ. Để thể hiện khát vọng tình yêu chị đã sử dụng lặp lại nhiều lần hình tượng: sóng, thuyền, biển, sông, trái tim…; để thể hiện sự chia cách hoặc sum họp chị thường dùng các hình tượng như: sân ga, con tàu, mái phố, con đường…Vậy để thể hiện khát vọng hồi sinh chị thường sử dụng những lớp từ ngữ, hình ảnh nào?
2. Người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh màu xanh được nhắc đi nhắc lại trong thơ chị:
-Lá vàng rớt xuống
Cho đất thêm màu
Có mất đi đâu
Nhựa lên chồi biếc …
-Như lá vàng rụng
Cho chồi thêm xanh (Chồi biếc)
Chuyện lá vàng rụng rồi lá sẽ hoai mục đi bồi đắp dinh dưỡng cho đất là một chuyện tự nhiên nhưng triết lý tự nhiên ấy đi vào thơ chị thật dễ thương, nó mang một dụng ý nhân sinh sâu sắc. Lá vàng rớt xuống không phải để hoai mục một cách vô ích, điều đó được diễn đạt bằng những câu thơ bốn chữ, nhịp thơ gấp như là một quy luật, một chuyện thản nhiên không có gì nuối tiếc, vướng bịu. Bởi sự ra đi đó là sự ra đi để cho một sự sống mới hình thành “Có mất đi đâu/ Nhựa lên chồi biếc”. Không ai tự dưng mà có ở trên đời, ai cũng phải có nguồn có cội. Thành quả hôm nay là cả một quá trình dài tích lũy, kết tinh từ bao lớp cha anh mà có được. Màu xanh ở đây không chỉ còn là màu xanh của cây cỏ nữa mà là màu của hi vọng, của tuổi trẻ, của tương lai sự sống sẽ được hồi sinh.
Đất nước còn chiến tranh, chị cũng như những nhà văn khác vai ba lô lên đường vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh để sáng tác và phục vụ nhân dân, phục vụ chiến sĩ “Bàn chân lún bàn chân thêm bỏng rát/ Giữa gió cát giữa những ngày ác liệt/ Tôi nghĩ về tha thiết một màu xanh”(Gío lào cát trắng). Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trước sự ác liệt của trận chiến, chị vẫn một ý chí hướng tới một màu xanh, một niềm tin cho ngày mai, một ước mơ tha thiết về bầu trời hoà bình. Trong thời chiến, sự hủy diệt của bom đạn đã làm ám ảnh con ngưới. Sự tàn phá đó làm cho nhà cửa, cỏ cây tiêu điều xơ xác, con người phải chịu đau thương. Câu hỏi mà họ hỏi nhau khi xa quê cứ xoáy sâu vào trong tim mọi người:
Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa? (Cỏ dại)
Không biết sự sống đã trở lại trên mảnh đất quê hay chưa? Cỏ không mọc được trên mảnh đất quê mình đang sống đồng nghĩa với quê hương còn xơ xác tiêu điều. Cỏ dại là hình ảnh ẩn dụ đặc biệt cho sự hồi sinh. Chỉ qua câu thơ này tác giả đã gián tiếp phản ánh sự huỷ diệt của chiến tranh. Chiến tranh tàn khóc đến mức đất chỉ còn một màu trắng, đâu đâu trên mảnh đất ấy cũng bị bom đạn cày xới. Cỏ mọc được tức là báo hiệu sự sống hồi sinh, đấy cũng là dấu hiệu bình yên trở lại trên quê hương. Câu hỏi nhẹ nhàng nhưng ngậm ngùi bao chua xót, nghẹn ngào, bao ước mong giản dị ẩn chứa trong câu hỏi đó.
Cỏ mọc lên là màu xanh trở về với quê hương, tức mầm sống đã được trở lại. Bởi thế màu xanh là hình tượng xuất hiện khá nhiều trong thơ của chị. Chị mơ về màu xanh bình yên ô của xanh, màu xanh của cây cỏ, trời xanh… đến cái tả lót cũng là tả lót màu xanh “Khi con sinh ra cái tã đã màu xanh”, tuổi xuân thì phải là tuổi tươi xanh: “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn/ Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh”(Có một thời như thế). Anh trở về với em cũng được xem là trời xanh, biển xanh: “ Anh trở về trời xanh của riêng em/ Một trời xanh, một biển xanh” (Chỉ có sóng và em). Ở đây “trời xanh” là anh là yên bình, hạnh phúc. Trong bài “Bầu trời quả trứng” tác giả sử dụng bảy lần từ “xanh”, trong bài “Trời xanh của mỗi người” tác giả sử dụng sáu lần từ “trời xanh”… cho thấy mật độ từ chỉ màu xanh xuất hiện nhiều trong thơ chị và điều đó cũng cho thấy chị là một con người luôn khát khao bình yên, hòa bình trở lại.
Màu xanh luôn tượng trưng cho hòa bình của đất nươc. Hình tượng trời xanh không còn là sự vật thiên nhiên nữa mà là hình ảnh tượng trưng cho hòa bình. Khát vọng đó đã đi vào tiềm thức, nó mang vào cả trong giấc mơ lúc ngủ “Bầu trời xanh cả lúc nằm mơ”(Bầu trời đã trở về). Bởi thế khi hòa bình lập lai là “màu xanh” trở về trên khắp mọi nơi, là “mùa xuân” trở về, là hòa bình lập lai:
Trời xanh trên mái nhà
Trời xanh ngoài biển gió
Anh ạ, quê chúng mình
Mùa xuân về trước ngõ
(Thành phố quê anh)
Đọc những vần thơ đó, ai bảo rằng chị không có trách nhiệm, thờ ơ, đứng ngoài cuộc? Khát vọng hòa bình là khát vọng của mọi người dân trên thế giới, đấy là quyền bình đẳng của mọi người, ấy vậy mà kẻ thù đã cướp mất thì có đáng lên án không? Rõ ràng chính những vần thơ mang khát vọng đó đã có sức tố cáo kẻ thù rất mạnh!
Ngoài từ “trời xanh”còn có từ “ngọn lửa” cũng hay được tác giả dùng để diễn tả khát vọng hồi sinh:
Các anh xưa tóc bây giờ đã bạc
Nhưng ngọn lửa đã bừng lên tiếng hát
Vẫn diệu kỳ trong sáng tuổi thơ tôi
(Ngọn lửa tuổi thơ)
“Ngọn lửa” ở đây chính là niềm tin cách mạng, hình ảnh kiên cường anh dũng trong chiến đấu của các anh đã truyền vào trong ý chí của mỗi người đân khi các anh là bộ đôi đang đóng quân ở địa phương. Cho dù thời gian đã trôi qua nhưng ngọn lửa đó vẫn thổi bùng lên từ trong sâu thẳm đáy lòng của mỗi người dân quê hương. Các anh đã già, nhưng kỉ niệm ngày xưa “ngọn lửa “ mà các anh đã truyền lại cho “chúng tôi” thì vẫn còn mãi. Quê hương Việt Nam đã bừng lên câu hát hòa bình!
“Ngọn lửa” cũng được tác giả sử dụng để ví với đứa con của mình như là sự hi vọng, niềm tin, ánh sáng một ngày mai con lớn khôn:
Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm
Để khi con lớn con cầm trên tay
(Tuổi thơ của con)
À ơi ngọn lửa ngày xưa
Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu?
(Lời ru trên mặt đất )
Sự hồi sinh không phải do đâu mà có, không phải ngồi chờ thụ động một cách không định hướng “Bàn tay ta làm nên tất cả /Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”(Ca dao). Không có nước uống người ta mong đợi một cơn mưa nhưng “Cơn mưa đâu phải của mình” mà là của trời, là hiện tượng tự nhiên, nên biết khi nào mà có? Khi nào nó tới? Chẳng lẽ chịu chết khát? Chẳng lẽ ngồi chờ mãi? …Nhưng:
Trận mưa này mưa từ lòng đất
Trận mưa này mưa của chúng tôi
(Cơn mưa đâu phải của mình)
Không còn phải phụ thuộc nữa, không còn phải thất vọng, không còn phải thiếu thốn nữa vì cơn mưa đã được tạo ra bằng chính công sức của mình, bằng bàn tay của mình, không thụ động mà tự tạo ra hạnh phúc, không trông chờ ỷ lại. Đến nay điều đó vẫn còn nguyên gíá trị, để thấy rằng Xuân Quỳnh đâu chỉ quan tâm đến những cái vụn vặt của đời sống? Điều chị tâm sự gửi gắm trên càng có ý nghĩa lớn lao trong lúc đất nước đang còn chiến tranh, mọi thứ còn thiếu thốn…
Cũng như bao người dân nước Việt khao khát một cuộc sống bình yên, một cuộc sống hồi sinh từ trên mãnh đất chết chóc bom đạn. Hình ảnh “lá cờ” trở lại là hình ảnh ẩn dụ cho sự lớn mạnh của cách mạng :
Đất đau thương nghìn lần sống chết
Đến bây giờ đất đã có cờ bay
Rồi sẽ có làng rồi sẽ có phố
(Bắt đầu bằng những lá cờ)
Nhìn lên rực rở trên đầu
Lửa hôm qua đã trong màu cờ bay
(Lời ru trên mặt đất)
Màu đỏ tươi của lá cờ, hình ảnh lớn mạnh của cách mạng sau “nghìn lần sống chết” mở ra bao niềm hi vọng cho một ngày mai, sự sống được hồi sinh, đấy là sự trở lại có làng, có phố, có tiếng cười của con người trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Một sự hồi sinh cho toàn dân tộc!
3. Hình như Xuân Quỳnh ít phải bận tâm đi tìm hình thức biểu hiện, chị cũng không mất công nhiều lắm trong việc lựa chọn hình ảnh chải chuốt ngôn ngữ, chị cũng từng nói: “Đừng lo đi tìm ngôn ngữ, cảm xúc sẽ tự chọn ngôn ngữ của mình”. Nhưng không phải vì thế mà thơ chị giản đơn dễ dãi, chính những cảm xúc xuất phát từ trong sâu thẳm đắy lòng mới dệt nên thành những vần thơ chân thành như thế, mới đi vào lòng người một cách say đám như thế lâu nay.
Từ những câu chuyện đời thường ta vẫn thường hay được nghe kể đến sự thể hiện nó trong thơ chị chị đã thật xuất sắc với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nói đến đề tài tình yêu trong thơ hiện đại thì chị là một trong những người hàng đầu của thế kỉ XX. Thơ chị được người đọc đọc một cách say sưa bởi chúng vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa mang những giá trị nhân sinh cao cả. Không chỉ thế, qua việc tìm hiểu trên phần nào ta nhận ra rằng Xuân Quỳnh còn có một khát vọng thật đáng trân trọng - Khát vọng hồi sinh. Dĩ nhiên, đấy không chỉ là khát vọng của một mình chị, đấy là khát vọng chung của mọi người dân Việt Nam ta. Điều quan trọng là chi đã biết biến nó thành những vần thơ ngọt ngào để nói hộ lòng biết bao người. Chính những tâm sự rất chân thành này đã mang một sức tố cáo rất sấu sắc đến kẻ thù. “Xuân Quỳnh không có gì hết ngoài trái tim biết yêu thương. Nhưng chính trái tim ấy đã nói lên thành thơ và chị đã trở thành nhà thơ nữ lớn nhất của thế kỉ XX của Việt Nam chỉ bằng trái tim chân thành và vô giá ấy”[Phan Ngọc].
Xuân Quỳnh xa chúng ta sau một vụ tai nạn đau lòng, nhưng vẫn còn đó những vần thơ ngọt ngào mà cháy bỏng khát khao.
Thoáng sợi bạc trên mái đầu bỡ ngỡ
Chỉ còn ta viết lúc yêu nhau
Mà ta quên. Mấy chục năm sau
Đọc thơ ta có người còn xúc động.
(Không đề)
14/4/06
Trần Quốc Hội




TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Phan Ngọc, Nhà văn và tác phẩm dùng trong nhà trường, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1999
[2] Nhiều tác giả (Ngân Hà tuyển chọn), Nữ sĩ Xuân Quỳnh cuộc đời để lại, NXB Văn hóa -Thông tin Hà Nội, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét