Trần Quốc Hội
Chỉ với 6 trang sách, đọc Bến quê của Nguyễn Minh Châu, người đọc bắt gặp hàng loạt hình ảnh có tính biểu tượng, giàu giá trị nghệ thuật. Ở đây, bài viết chỉ xin nói đôi chút về nét đẹp trong hình tượng không, thời gian nghệ thuật của văn bản.
1. Câu chuyện được kể lại theo trình tự biên niên. Vì vậy, xét về cấu trúc thì văn bản được xây dựng theo kiểu truyền thống, các sự kiện không bị xáo trộn, không phân mảnh như trong “Phiên chợ Giát” … Điều đem lại sự thành công trong việc xây dựng không, thời gian nghệ thuật là tác giả đã tạo tính huống nghịch lý - một sự nghịch lý không gian và thời gian.
Câu chuyện chỉ diễn ra vào thời điểm sáng sớm của một buổi sáng ở trong căn phòng trên chiếc phản gỗ cuối cuộc đời của Nhĩ: một buổi sáng so với chuỗi ngày dài của cuộc đời con người; một căn buồng với khung cửa sổ nhìn ra con sông so với sự ngút ngàn vô tận của thế giới mà “không một xó xỉnh” nào anh không đạp chân tới. Chính vào thời điểm đó, nhân vật lại phát hiện ra những vẻ đẹp vốn có và tiềm ẩn xung quanh anh: những bông hoa bằng lăng; bầu trời thu; dòng sông Hồng; và đặc biệt là vẻ trù phú của bãi bồi bên kia sông…. Và cũng từ thời điểm này anh mới cảm nhận được sự hi sinh thầm lặng của người vợ đầy khiêm nhường và giàu lòng vị tha…
2. Nhưng chính sự phát hiện đó cũng lại một lần nữa đẩy anh vào sự nghịch lý mà có thể nói đó là bi kịch nhận thức và khám phá. Thời gian muôn thủa vẫn theo quy luật và thuộc tính cố hữu của nó - thời gian càng trôi thì càng rút ngăn thời gian tồn tại của Nhĩ. Căn bệnh hiểm nghèo đã kéo nhân vật vào những giờ phút cuối của cuộc đời, ấy vậy mà cũng chính thời điểm đó thì nhân vật lại khao khát được khám phá không gian vốn rất thân thương xung quanh mình. Vậy nhưng, giờ, tất cả là “một chân trời gần gũi” nhưng lại “xa lắc” đối với Nhĩ lúc này. Giờ đây ước nguyện nhỏ bé nhưng thật lớn lao của anh là được một lần đặt bàn chân lên bãi bồi bên kia sông, nơi ẩn chứa sự trù phú và giàu có, nơi mà chỉ một chuyến đò ngang là anh có thể thoả ước nguyện. Vậy mà anh không thể!
Tình huống, Nhĩ nhờ đứa con thay mình sang bên kia sông thay mình đạp bàn chân lên bãi bồi để anh gián tiếp cảm nhận cảm giác qua đứa con là một sáng tạo nghệ thuật. Ngoài việc thông qua đó để nói lên sự “vòng vèo” của cuộc đời một con người còn cho thấy khát khao chiếm lĩnh, khám phá của nhân vật đến cực độ, và cũng chính vì vậy càng đẩy nhân vật vào bi kịch của sự nhận thức và khám phá…
Đọc Bến quê, người đọc thấy chua xót cho nhân vật, thấy được sự đớn đau đến quặn thắt bởi bi kịch giữa hiện thực và khả năng, giữa nhận thức và chiếm lĩnh. Tác giả đã rất khéo léo trong việc tạo ra tình huống truyện. Đặt nhân vật vào thế bi kịch không gian và thời gian. Để nhân vật phát hiện vẻ đẹp của không gian bến quê khi nhân vật không đủ sức lực, để nhân vật nhận thức khi không còn khả năng để khám phá… Bức tranh tâm trạng nhân vật từ đó mà hiện lên. Nỗi đau buồn, sự day dứt, sự ân hận gặm nhấm tâm hồn nhân vật. Hành động “thu hết tàn lực” cuối truyện kết lại cuộc đời Nhĩ, kết lại câu chuyện nhưng mở ra những tảng băng chìm cần suy nghĩ cho mỗi người. Nó như “một lời trăng trối” không thể nói nên lời, là ước nguyện vẫn còn dỡ dang, là thông điệp nhân sinh gửi tới cuộc đời, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi người hãy biết thương yêu, quý trọng, hãy biết quan tâm chia sẽ, hãy biết quý mến và nâng niu những gì mình đang có, vì “Quê hương nếu ai không nhớ /Sẽ không lớn nổi thành người”.
Con đò ngang chỉ mỗi ngày một chuyến mới cập bến bờ bên này (là một dụng ý nghệ thuật đặc sắc). Vẫn còn kịp cho đứa con của Nhĩ, vẫn kịp cho mọi ngươi. Xung quanh ta là những bãi bồi phù sa, là bến quê, là nơi ta được lớn lên, được chăm sóc cho đến giây phút cuối đời. Đừng để quá trể !
Sơn Trạch, 1/4/2008
TQH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét