HINH ẢNH

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

“KHÔNG CÓ VUA” VẪN LÀ…LỜI CẢNH TỈNH, BÁO ĐỘNG


Con người là tinh hoa, là linh hồn của vũ trụ. Trong mỗi con người lại có chữ tâm để làm nên phần Người – Nhân, để phân biệt giữa con người và muôn loài cầm thú. Nhưng khi đọc “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp ta bàng hoàng vì không biết các nhân vật trong truyện của ông có phải là người không? Nếu phải thì chữ tâm kia ở đâu, phần người ở đâu? “Không có vua” hay tiếng kêu cứu cho những con người không có tâm!
Đọc “Không có vua” người đọc cứ căng mình lên, ngở ngàng đau đớn, vậy điều gì đã làm cho tác phẩm có sức mạnh kì diệu đến vậy?
Theo tôi tác phẩm đã đi vào một vấn đề có tính chất thời sự hiện nay là sự băng hoại về đạo đức. Nhưng để đưa những vấn đề đó vào tác phẩm mà tạo nên sức hút kì diệu cho người đọc chính là nhờ cách xây dựng hình tượng nhân vật. Kế đó là tạo không gian và thời gian truyện hợp lý. Cuối cùng là những thông điệp nhân sinh có ý nghĩa xã hội.
1. Nhìn chung nhân vật không được miêu tả về ngoại hình, đây cũng là điểm chung của đa số các nhân vật trong các truyện khác của Nguyễn Huy Thiệp. Việc không tả ngoại hình nhân vật cũng là một dụng ý của nhà văn. Cái chủ yếu làm nên sự khác biệt giữa người này và người khác chính là ở tính cách của họ, nhưng tác giả cũng không miêu tả tấm trạng nhân vật. Vậy thì điều gì làm nên cá tính nhân vật?
Câu chuyện được kể theo ngôi số ba, thuộc “Truyện kể có người kể hàm ẩn, kể theo điểm nhìn của chính mình. Người kể chuyện và “Người tiêu điểm hoá” đều ẩn nấp. Điểm nhìn câu chuyện không được chiếu theo một nhân vật nào mà nó đồng thời là người kể chuyện. Tác giả cứ tung các nhân vật lên “sân khấu” để cho các nhân vật tự hành động và đối thoại, từ đó bộc lộ tính cách của mình. Tác giả không nói hộ nhân vật, không có lời bình, không có lấy lời nhận xét: Đoài nói với bố: “Ở đâu không biết cứ ở cái nhà này thì lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống” là chuyện thường tình”; “Ai đồng ý bố chết giơ tay”... Nếu là người khác thì phải chêm vào lấy mấy câu bình luận nhận xét về cái đối đáp của một con người có trí thức như Đoài, nhưng với Nguyễn Huy Thiệp thì ông để điều đó cho đọc giả, ông chỉ đứng bên ngoài khách quan kể lại chúng để từ đó chính người đọc rút ra những nhận xét, bởi thế câu chuyện của ông thường làm cho người đọc căng mình lên, thoảng thốt rồi nhận ra chân lý cuộc sống, giá trị nhân sinh được gửi vào tác phẩm.
Với việc lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn đó giọng điệu “Không có vua” lạnh lùng đến ngỡ ngàng và đau đớn. Các nhân vật tự bộc lộ cái thô thiển vô đạo của chính họ thông qua ngôn ngữ: “Cấn giơ nắm đấm trước mặt bố, bảo rằng: “Ông liệu tống cổ thằng ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó.” Lão Kiền bảo: “Chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng”. Các nhân vật đối đáp liên tục như không hề ngẫm nghĩ, không phân vân nên nhân vật không có diễn biến tâm trạng. Điều này đã tạo cho hình ảnh các nhân vật là những con người xơ cứng cảm xúc trước cuộc sống, trước tình người. Giọng họ cất lên lạnh lùng. Lão Kiền nghe con rũ nhau đi đánh người không những không can ngăn mà còn bảo: “Cầm theo cái búa!” Khi Cấn và Khảm trở về trên mình đầy vết thương nhưng ông chỉ quan tâm có một điều: “Có mang bua về không? Thế là toi trăm bạc”. Nhân nào quả ấy, con ông “đền đáp công ơn, báo hiếu” cho ông khi ông ngã bệnh: “Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé.”; “Ông cụ đi rồi. Thật may quá. Bây giờ tôi đi mua quan tài”… Tác giả không miêu tả ngoại hình nhưng qua những câu đối thoại như thế người đọc hình dung được khuôn mặt của các nhân vật thật lạnh lùng, trơ trẻn, những khuôn mặt không chút cảm xúc mà lạnh tanh. Từ đầu đến cuối tác phẩm là một giọng văn như vậy. Người đọc càng đọc càng căng mình lên thoảng thốt, rồi thấy đau đớn xót xa cho sự sa đoạ tính người.
Tính cách, phẩm chất các nhân vật trong truyện còn hiện lên qua những đối thoại phủ định lẫn nhau. Qua lời chửi của lão Kiền, tính cách Đoài được bộc lộ. Đoài là cán bộ của Bộ giáo dục nhưng ông bảo: “Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!” Với Khảm-sinh viên thì ông chửi: “Đồ ruồi nhặng! Học với hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Đoài thì nói với lão Kiền: “Phải rồi một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy”. Đoài hay nói về Khiêm: “Trước sau thì thằng ấy cũng vào tù thôi. Cái thằng ấy tôi đã thấy trước tương lai của nó. Ít cũng sáu năm tù. Kể cũng lạ. Một năm nó ăn cắp đến nửa tấn thịt mà người ta cũng để yên cho nó!”…Các nhân vật ai cũng tìm các nói xấu người khác, sống trong một gia đình nhưng như muốn ăn tươi nuốt sống nhau, hằn học căm ghét nhau làm cho bức tranh câu chuyện cứ loạn lên, phẩm chất các nhân vật trong truyện cũng từ đó mà bộc lộ.
Các nhân vật hiện lên như một ổ nhóm băng đảng bọn xã hội đen đang hành động và phát ngôn nhưng trong mỗi nhân vật còn có những nét riêng. Trừ Sinh và Tốn thì trong các nhân vật còn lại ta thấy Khiêm còn có gì đó chút tình đồng loại. Khiêm được biết đến là người chuyên ăn cắp của nhà nước, xem tiền là “vua”… Nhưng ta bắt gặp nhân vật này ở một vài chi tiết khiến ta phải làm phép so sánh với các nhân vật khác. Khi Khiêm đi làm về bước vào nhà thấy mọi người ăn uống, việc đầu tiên là anh hỏi Tốn. Khi anh biết Tốn bị nhốt trong căn cạnh nhà xí thì anh ném cái cái gạt tàn thuốc vào mặt Cấn, nhảy vào đánh Cấn vì Cấn nhốt Tốn khi mình đã ăn no say, đã lên giường ngủ. Không kịp lấy chìa khoá thì anh lấy xà ben tộng phá khoá đưa Tốn ra. Một lần khác đấy là ngày tết đêm giao thừa chỉ Khiêm, Sinh, Tốn ở nhà, Khiêm bảo: “Chị là bề trên, chị cứ vái ba vái trước còn đâu tôi khấn” không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại viết : “Tốn đốt pháo. Cả ba nét mặt rạng rỡ. Trời đất giao hoà, lòng người cảm động.” Trong một gia đình loạn về tất cả các mặt thì những việc làm đó thật đáng ghi nhận! Có lần Đoài nói với Khảm: “Cái nghề đồ tể của nó giá trị gấp mười lần cái bằng đại học của tao với mày”, không chỉ tự phủ nhận chính mình, không chỉ là sự so sánh thực dụng mà còn thấy một sự thật đấy là Khiêm có là đồ tể, có xem tiền là “vua”, là gì thì không thâm độc, tàn nhẫn như Đoài và Khảm. Đoài và Khảm là hai người có học cao nhưng cả hai đều dùng để thể hịên những mánh khoé trong nghề nghiệp, để đối phó với gia đình. Những lời mất nhân tính nhất, những lời vô học nhất của câu chuyện đều từ miệng của Đoài và Khảm.
Trong số những người con lão Kiền thì Tốn ít xuất hiện nhất bởi nhân vật này bị bệnh thần kinh, người teo tóp. Còn Sinh là vợ của Cấn. “Sinh lọt vào gia đình này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ.” Người đọc sơ hãi cho cô con dâu đáng thương này. Sống trong một gia đình mà mọi thành viên cứ như là mỗi tên đầu đường xó chợ, mỗi tên bụi đời. Quả, Sinh thật vất vả, vất vả trong công việt không nhằm gì, mà cái đáng sợ là luôn phải đối phó với những khuôn mặt ghê rợn, với những tên loạn dâm. Ấy vậy mà Sinh vẫn như một bông hoa giữa sa mạc khô cằn. Thật đáng quý! Sự xuất hiện của nhân vật Sinh nhằm làm cho các nhân vật khác bộc lộ tính cách phẩm chất. Thông qua mối quan hệ với nhân vật nay người đọc càng thấy chữ “Loạn” dùng để nói về gia đình đó dường như là chưa đủ!
Để thể hiện tốt bức tranh ấy không thể không kể đến vai trò quan trọng của không gian và thời gian truyện.
2. Người đọc không phải cố gắng lắp ghép không gian và thời gian truyện kể bởi cách kể chuyện quá khứ hiện tại đan xen như xu thế kết cấu truyện ngắn đương đại. Câu chuyện không phải được kể theo kiểu lắp ghép, mảnh vở… chính cái cách lựa chọn của ông đã tạo ra cái riêng cho tác phẩm. Không gian truyện thì chỉ xoay quanh cảnh sinh hoạt gia đình, thời giai truyện mới nhìn ta tưởng tác giả sử dụng thời gian “gối đầu” tức hết thời điểm này nối liền thời điểm khác. Ở đây tác giả kể về thời gian buổi sáng, buổi chiều rồi đêm, ngày giỗ, ngày tết nhưng không phải là sự tiếp nối nhau mà chỉ là thời gian tượng trưng(một buổi như bao buổi, một ngày như bao ngày) để nói lên bức tranh toàn cảnh của gia đình lão Kiền. Kéo theo với nó là câu chuyện không có cốt truyện mà là bức tranh loạn xạ, liên tiếp hành động và ngôn ngữ được đặc tả, một hiện thực sa đoạ về đạo đức phơi bày lên trang sách.
Không gian tác phẩm chủ yếu xoay quanh ngôi nhà của gia đình lão Kiền. Chỉ một chút khi lão Kiền nằm viện thì không gian kể là bệnh viện nhưng ở đấy cũng chủ yếu toát lên không khí gia đình như ngày nào. Không gian trong truyện không đổi vì câu chuyện chủ yếu kể về những sinh hoạt của các thành viên trong cái gia đình ấy. Vì thế bức tranh hiện thực về gia đình lão Kiền như được ống kính điện ảnh quay cận cảnh. Mọi gốc cạnh cuộc sống, từ những thói quen thường ngày của các nhân vật, từ cách ăn của Đoài, từ cử chỉ hành động lén xúc gạo của Khảm, hành động rình con dâu tắm của lão Kiền, sàm sở với Sinh của Đoài…đều như được thấy bằng da bằng thịt. Chính vì thế mà câu chuyện dồn nén sự kiện, sự kiện này chưa kết thúc đã diễn ra sự kiện khác. Người đọc thấy các nhân vật nói năng hành động liên tục không ngớt trong gia đình ấy bởi vậy bức tranh “Loạn” như mồn một trước mắt người đọc. Người đọc không thấy tác giả miêu tả âm thanh nhưng khi đọc thì ta có cảm giác ngôi nhà lúc nào cũng đầy tiếng cải vã, chửi bới nhau…
Thời gian truyện chủ yếu là thời gian hiện tại. Ta bắt gặp tác giả chia truyện ra các thời gian khác nhau như cách chia các cảnh của một vở kịch. Tác giả lựa chon các thời gian chung chung vì vậy câu chuyện là thói quen thường lệ như bao thời gian khác, bức tranh xuyên suốt như thói quen thường ngày trong gia đình ấy chứ không phải chỉ diễn ra vào một thời điểm nào đó. Trong mỗi cảnh, tác giả lại kể chuyện qua các thời điểm khác nhau. Hành động và ngôn ngữ của các nhân vật trong khoảng thời gian đó được đặc tả vì thế bức tranh hổn tạp nhố nhăng được tường thuật tỉ mỉ từng chi tiết. Ví như khi tác giả kể về buổi sáng: Khiêm để đồng hồ báo thức một giờ sáng” sau đó là lời thoại của các nhân vật. Tiếp đó: “Ba giờ sáng lão Kiền dậy, cắm bếp…”, “Bôn giờ rưởi sáng Sinh dậy nấu cơm…” rồi đến: “Lão kiền mở cửa hàng…”, “Cơm dọn ra…”, “Sinh dọn mâm bát”… cứ sau mỗi móc thời gian là những cuộc đối thoại, hành động của các nhân vật. Như vậy bức tranh buổi sáng gia đình lão Kiền ngay một giờ sáng đã ồn ào cải vã. Và cứ như vây thời gian nào thì các nhân vật bộc lộ theo thời gian ấy nhưng tất cả đều là một bức tranh toàn cảnh của một gia đình không có vua.
3. Người đọc thoảng thốt bởi tính loạn về mọi mặt của các nhân vật trong truyện.
Xuyên suốt truyện là bức tranh con người dẫm đạp lên đạo đức truyền thống. Trước hết là truyền thống gia đình: “Nhập gia tuỳ tục, ở nhà này không có lệ mời” đấy là câu căn dặn của Đoài với Sinh. Tiếp đó mọi tôn giáo, chính trị đều bị phủ nhận. Đoài bảo: “Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách”, “Kinh vô thường” thì được xin về để cầu cho người được chết thanh thản. Ngày giỗ biến thành ngày ăn chơi, hẹn hò của Khảm; ngày Đoài gạ gẫm chị dâu: “Sinh cho tôi một tí tình”; cũng là ngày cho con cái đánh nhau, chửi nhau; là ngày cho Đoài cầu khấn mẹ phù hộ để được đi học nước ngoài, có xe cup. Ngày tết vẫn là ngày cho Đoài gạ: “Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!”; Cũng là ngày cha con lão Kiền ngồi nói khích nhau vì cái vụ rình trộm Sinh tắm…Đạo đức cũng bị dẫm đạp không chỉ ở các nhân vật trong gia đình đó mà cả họ hàng, láng giềng. Ông Vỹ thì bảo: “Cán bộ chúng em vô thần. Bốn chục năm nay em theo cách mạng, nhà không có bàn thờ, chẳng biết khấn vái vào đâu” Thì ra họ cho rằng thờ cúng tổ tiên là việc không đáng làm của người theo cách mạng? Hàng xóm thì không biết nhau đến nỗi Đoài bảo: “Cứ như thế này cháu đi ăn trộm, lơ mơ phạm luật” sau khi bảo ngày xưa bọn trộm có luật trừ nhà hàng xóm ra. Sau đó ông hàng xóm cũng bảo: “Thì các con tôi cũng vậy”. Đến cuối truyện là cảnh chỉ sau giỗ trăm ngày lão Kiền liền đó là điện báo ông Vỹ chết nhưng Đoài bảo: “Cứ gác lại đã. Các bác già chết có gì là lạ? Tiếp tục cuộc vui đi”.
Hẳn người đọc không khỏi đau xót trước sự tha hoá lương tâm con người đến vậy! Đọc đến đây hẳn người đọc sẽ bật ra câu hỏi: Liệu chúng có phải là người nữa không? Lương tâm chúng đâu rồi? Xin đừng nhọc lòng đi tìm chữ TÂM trong những con người ấy! Chúng không còn đâu! Chữ “TIỀN” và chữ “DỤC” đã đè bẹp, dẫm nát chữ “TÂM” trong mỗi con người đó rồi… Muốn chữ “TÂM” kia sống lại trong họ phải bắt đầu cho họ bằng những bài học làm người đơn giản nhất…
“Không có vua” là lời cảnh tỉnh, báo động về sự sa đoạ đạo đức, nhân cách sống.
T.Q.H

6 nhận xét:

  1. Cho mình xin ý kiến phê bình đúng về tác phẩm với b

    Trả lờiXóa
  2. Bạn có tố chất của một nhà phê bình.
    Chữ "thoảng thốt" nghe hơi lạ. Theo mình là "thảng thốt".

    Trả lờiXóa
  3. bài nhận xét khá đc, nhưng mà với mình còn thiếu chút chút, cần phải nêu ra câu nói của cha khi đoài thắc mắc tsao k đi bước nữa, cùng vs chi tiết về khiêm để nói lên quan niệm nghệ thuật về con ng của ng huy thiệp: con ng đa điện, phức tạp (do đó là nhu cầu của thời kì văn học mới, k toàn diện mà hiện lên trên mọi mặt cs). Hay khi nói đến cái xấu cũng cần nói đến vụ cược của đoài và khảm, hay nhận xét của sinh về gia đình. Mình góp ý như thế nhé. Chúc blog của bạn ngày càng phát triển nha.

    Trả lờiXóa